Cách đây 12 năm (2008), Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Đây là sự kiện trọng đại, thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân với tầm vóc phát triển của Thủ đô.
Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội – về sự đổi thay của đô thị Thủ đô trong những năm qua và tầm nhìn tới năm 2045.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội
Giá trị di sản và đặc trưng đô thị
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2011 là một dấu mốc đặc biệt trong sự phát triển, thay đổi của Thủ đô, thưa ông?
– TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Từ 1954 đến nay, sau 66 năm hòa bình lập lại, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính (năm 1961, 1978, 1991 và 2008). Cùng với đó, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt.
Nhưng trong quá trình phát triển 66 năm qua, mốc giới rất được quan tâm hay còn gọi là dấu ấn là năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới lên 3.344km2, trở thành một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới và cũng là đô thị lớn nhất cả nước.
Việc mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 đã tạo ra thời cơ mới nhưng cũng là thách thức rất lớn với Hà Nội. Bởi, bên cạnh việc quản lý, phát triển, còn phải giữ được tầm vóc của Thủ đô.
Với tầm quan trọng như vậy, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg vào 7.2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch này xác định thực hiện đến 2030 và tầm nhìn 2050. Quy hoạch Hà Nội năm 2011 đã đặt yêu cầu, trong quá trình phát triển, Hà Nội phải kế thừa yếu tố truyền thống cả nghìn năm dựng xây Thủ đô, đồng thời đặt yếu tố văn minh hiện đại để Hà Nội vươn tầm, có vị trí xứng đáng ở khu vực Châu Á và thế giới. Đây là trọng trách lớn sau lần mở rộng địa giới năm 2008.
Tuy chưa đạt đến mức hài hòa giữa bảo tồn và phát triển nhưng công tác bảo tồn di sản truyền thống đã được chú trọng và kiểm soát chặt chẽ hơn. Bên cạnh các đồ án quy hoạch công bố cho nhân dân biết thì còn xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc.
Lấy người dân làm trọng tâm
Ông có đánh giá như thế nào về sự thay đổi của Hà Nội trong những năm qua?
– TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Dấu ấn đậm nét nhất cho sự thay đổi của Hà Nội có lẽ ở giai đoạn 2015-2020, thể hiện qua nhiều vấn đề lớn. Hà Nội đã ban hành các quy hoạch và phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên với khoảng hơn 60 các đồ án quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trong khi các năm trước mỗi năm chỉ độ 15-20 đồ án. Đến đầu năm 2020, Hà Nội cơ bản hoàn thành các loại quy hoạch. Việc hoàn thiện này là một trong những thành tựu lớn, những công cụ, định hướng cơ bản, một minh chứng cho việc Hà Nội đã quyết liệt triển khai quy hoạch.
Có thể nói, trong quá trình phát triển của Hà Nội, những yếu tố tác động đến người dân được chú trọng hơn.
Ví dụ, Hà Nội đạt được tỉ lệ bình quân về nhà ở, học sinh đi học rất lớn. Hiện diện tích bình quân về đất ở trên đầu người ở Hà Nội là 27m2/người. Nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, khu ký túc cho sinh viên đã được quan tâm. Đây là mức rất cao so với chỉ tiêu của cả nước. Có thể thấy, Hà Nội rất quan tâm đến đời sống nhân dân.
Tạo nhiều đột phá ở khu vực nông thôn
Có thể nói rằng, khi Hà Nội sáp nhập thì không chỉ bộ mặt đô thị mà nông thôn cũng thay đổi rõ rệt, thưa ông?
– TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Khi mở rộng địa giới, bên cạnh dự án của Hà Nội phát triển lâu đời thì Hà Nội phải kế thừa các dự án do Hà Tây (cũ), chính vì vậy, việc mở rộng này nâng số lượng dự án của Hà Nội lên hơn 700 dự án phát triển. Vấn đề này đòi hỏi rà soát kiểm tra, để tuân thủ quy hoạch mới, không thể phát triển ào ạt.
Điều đáng lưu tâm nữa của Hà Nội trong giai đoạn vừa qua là xây dựng nông thôn mới (NTM). Lúc đó, diện tích đô thị chỉ có 20%, gần 80% là diện tích nông thôn.
Câu hỏi đặt ra với Hà Nội là nông thôn của Hà Nội phải phát triển như thế nào để cho tương xứng là Thủ đô chứ không thể chung chung. Đây là vấn đề quan trọng, do đó, Thành ủy đã có Chương trình 2 về xây dựng NTM.
Kết quả đạt được cho thấy, Hà Nội là tỉnh thành dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM: 100% xã đã có quy hoạch được phê duyệt; 86% xã đạt 19 chỉ tiêu NTM của Trung ương, có 4 huyện đạt NTM. Bên cạnh các tiêu chí của Trung ương, Hà Nội đã đặt ra vấn đề nâng cao nông thôn để đạt được nông thôn của đô thị, nông thôn của Thủ đô.
Xây dựng NTM của Hà Nội là bước đột phá, bước sáng tạo, với đặc thù nông nghiệp – nông dân – nông thôn chiếm tỉ trọng lớn của Thủ đô thì đây là thành tựu lớn, sự nỗ lực, sự huy động đóng góp của nhân dân. Nhưng đây cũng là một thách thức lớn với Hà Nội, vì nông thôn phải là nông thôn của đô thị.
Cũng bởi vậy, diện mạo Thủ đô từ 2008 đến nay đã đổi mới. Phát triển mới đã chú trọng đến yếu tố hiện đại kết hợp với yếu tố truyền thống; đã hình thành các tuyến đường giao thông, trục không gian mang yếu tố hiện đại; công tác nhận diện, bảo tồn di sản đã được nâng cao, nhận diện giá trị di tích các khu vực cảnh quan như hồ Tây, hồ Gươm, Ba Vì…
Sau 10 năm, Hà Nội đã có nhiều thay đổi
Nhiều cơ hội nhưng lắm thách thức
Việc sáp nhập Hà Nội tạo nên bước đột phá, tạo ra nhiều cơ hội nhưng bên cạnh đó còn không ít thách thức. Ông có thể nói qua về những thách thức và phương án giải quyết việc này?
– TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Sau hơn 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới, điểm nhấn đặc biệt nhất là Hà Nội phát triển mạnh về kinh tế – văn hóa – xã; hội đặc biệt diện mạo đô thị cũng đã chú trọng. Ngoài ra, Hà Nội tiếp cận được yếu tố hiện đại, thông minh và phát triển bền vững.
Bên cạnh những việc phát triển KĐT thì có những KĐT ngang tầm với một số nước hiện đại trên thế giới. Hà Nội đã tạo nên những khu vực mà được người dân cho rằng là đáng sống, thân thiện. Hà Nội có nhiều công trình được khen thưởng về kiến trúc xanh ví dụ như KĐT thông minh trên đường Võ Nguyên Giáp, KĐT xanh, KĐT đáng sống…
Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật như đường trên cao, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, xử lý rác thải… đã có những bước đột phá.
Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại là việc giải quyết các khu chung cư cũ, nhà ở cũ dù đã có lộ trình nhưng đến nay còn nhiều khó khăn. Đây là tồn tại lớn, nhức nhối của Hà Nội, đòi hỏi có sự đột phá. Công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch chưa chưa chặt chẽ.
Việc di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở bộ, ngành, các trường đại học còn chậm dù đã có lộ trình của Thủ tướng nhưng vẫn thiếu các giải pháp, cơ chế đặc thù. Quản lý đô thị đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả.
Dân số không giảm mà còn tăng lên. Đất đai thì khu đất vàng, khu đô thị mới thì cơi nới, nâng tầng…
Hay giao thông chưa đạt được như kỳ vọng. Cấu trúc phương tiện giao thông công cộng đang còn thấp mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều ưu đãi ở một số tuyến đường công cộng.
Trong thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục đổi mới quy hoạch nâng cao chất lượng là điều cần thiết và phải làm. Trước kia, quy hoạch chỉ có quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.
Nhưng bây giờ thấy khác, tất cả quy hoạch tỉnh, thành phố chỉ có một quy hoạch tích hợp. Hà Nội đang làm thử. Đây là thách thức lớn bởi vì chưa có ai nghiên cứu.
Rõ ràng, thách thức lớn nhất là phải có cơ chế chính sách và chú trọng phát triển mô hình chùm đô thị. Phải có định hướng chung về đô thị vệ tinh về 22 thị trấn sinh thái, từ đó chọn ra mũi nhọn để phát triển. Ví dụ, Thành ủy chọn Hòa Lạc và Sóc Sơn nhưng các thị trấn thì không đưa vào thị trấn nào mặc dù có một vài thị trấn rất mạnh.
Nếu giải quyết được 5 đô thị vệ tinh, chúng ta có quỹ đất là 350.000ha quỹ đất mới. Gấp 8 lần nội đô lịch sử, chứa được 1,4 triệu dân.