“Giá bất động sản nhà ở sẽ tăng bình quân khoảng 10%”
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường mới đây chỉ ra một điểm chung, đó là mặt bằng giá mới của thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng. Cụ thể, báo cáo của CBRE Việt Nam cho thấy, giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp trong quý 2 năm nay ở mức 1.872 USD/m2, cao hơn tới 27% so với cùng kì năm ngoái. Đối với thị trường thứ cấp, xu hướng tăng giá cũng được ghi nhận ở nhiều khu vực với mức giá trung bình trong quý 2 cao hơn 9% so với cùng kì năm trước.
Tương tự, tại TP.HCM, báo cáo của đơn vị nghiên cứu DKRA Việt Nam cho thấy, giá bình quân căn hộ trên thị trường sơ cấp tại địa bàn này tính tới cuối quý 2 đã tăng 8-15% so với giai đoạn khoảng 3-5 tháng trước đó. Giá bán thứ cấp theo DKRA cũng tăng phổ biến ở mức 3-5% so với quý 2 năm 2021, tập trung ở những dự án đã bàn giao, hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện.
Ngoài áp lực chi phí đầu vào (sắt, thép, nhân công…), ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhấn mạnh yếu tố tác động tới giá BĐS thời gian qua là tình trạng đói vốn của doanh nghiệp. Theo ông, nhiều doanh nghiệp phản ánh không tiếp cận được vốn, các kênh huy động đều yếu và thiếu. “Chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá nhà bị đẩy lên”, vị này nêu 2 nguyên nhân chính.
Theo lãnh đạo VARS, xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp diễn thời gian tới khi những bất cập trong kênh huy động trái phiếu cũng như tín dụng chưa được tháo gỡ. Hậu quả là chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc triển khai dự án. Nguồn cung nhà vốn đã gặp khó vì rào cản pháp lí trong thời gian qua lại càng trở nên thiếu thốn trầm trọng hơn.
Nguồn cung bị thắt chặt trong khi nhu cầu lớn là nguyên nhân khiến giá BĐS sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, bất chấp giao dịch có thể tạm trầm lắng trong thời gian tới khi van tín dụng chưa mở. “Giá bất động sản nhà ở sẽ tăng bình quân khoảng 10% trong nửa cuối năm”, đơn vị này nêu nhận định.
Nhắc tới một số ý kiến cho rằng thanh khoản đang chậm là dấu hiệu của giảm giá, ông Nguyễn Thành Nhân, giám đốc một công ty chuyên khai thác và phân tích dữ liệu kinh tế khẳng định điều ngược lại. Bên cạnh việc đồng tình với những lí do về vốn và nguồn cung, ông cũng chỉ ra quy luật thị trường khi trong vòng 10 năm qua, đồ thị giá BĐS chủ yếu có xu hướng tăng giá và đôi khi đi ngang, không có chuyện giảm. “Mua BĐS lúc này có thể tranh thủ trước khi sóng tăng giá mới sắp đến”, ông Nguyễn Thành Nhân khẳng định.
Sẵn tiền săn hàng tốt
Nhận định về tương lai thị trường BĐS, lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam chỉ ra xu hướng đáng chú ý: Giai đoạn “dòng tiền dễ” đã đi qua. Điều này có nghĩa, dòng tiền thay vì dễ dàng đổ vào mọi phân khúc và dự án sẽ chuyển hướng tới những dự án mang tới cơ hội thực sự an toàn cho người dân có nhu cầu mua nhà ở hoặc đầu tư.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Nguyễn Thành Nhân nhận định điểm đến của dòng tiền sẽ là các dự án của chủ đầu tư uy tín, có năng lực tài chính và lịch sử xây dựng tốt. Ông tin tưởng, dù tín dụng BĐS vẫn còn khó khăn nhưng thị trường sẽ dần mở hơn và ưu tiên cho những dự án, DN hiệu quả sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không siết tín dụng BĐS bất hợp lí. Tại hội nghị ngày 14/7 với sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các nhà băng dành vốn cho lĩnh vực BĐS đúng quy định, đủ tính pháp lí, các dự án đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.
Đây cũng là nội dung được chính các ngân hàng lên tiếng khẳng định, đơn cử như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). “Chỉ đạo của chúng tôi là tiếp tục ưu tiên cho vay các dự án BĐS của những chủ đầu tư đã có kinh nghiệm, thành công phát triển dự án; dự án có vị trí tốt, quy hoạch hạ tầng hay thu hút du lịch…”, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietinbank chia sẻ tại Toạ đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” mới đây.
Dòng tiền hướng về những những dự án của chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực lớn theo ông còn là cách đầu tư an toàn trong điều kiện nỗi lo lạm phát đang tới gần. Vượt khỏi phạm vi một ngôi nhà, sản phẩm của các nhà phát triển BĐS lớn thường là các đại dự án, một hệ sinh thái khổng lồ với “giá trị mềm” nằm ở cảnh quan, hạ tầng, tiện ích sống, không gian kết nối, thương mại, dịch vụ, cơ hội làm ăn kinh doanh…
Đây là giá trị không phụ thuộc vào đất và như ông Nguyễn Thanh Nhân những chủ đầu tư lớn, đã tạo dựng được uy tín thường sẽ được các ngân hàng ưu tiên cấp vốn khi được phép do hệ số an toàn cao. Ngoài ra, họ cũng thường sẵn sàng giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng với các chính sách đặc biệt như hỗ trợ lãi suất 0% hoặc phần lãi suất chênh lệch khi hết thời hạn miễn lãi v.v…
Góp ý thêm, lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thời gian tới, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu bất động sản sẽ tăng mạnh ở tất cả các phân khúc. Với mặt bằng giá gần như chắc chắn sẽ tăng cao, cùng sự chuyển hướng của dòng tiền vào những sản phẩm chất lượng vốn không nhiều, người mua nhà sẽ phải đối mặt với cuộc đua ngày càng khốc liệt.
“Mua nhà để ở trong giai đoạn “bản lề” này sẽ tận dụng được tối ưu những lợi thế, tín dụng và mặt bằng giá cả”, đại diện VARS nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet.